Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế ( OCD ) – Nguyên Nhân Và Giải Pháp Điều Trị

Nguyệt Hoàng
26 tháng 10 2021

Bạn thường xuyên bị ám ảnh bởi môi trường không sạch sẽ, không ngăn nắp? Bạn cần phải sắp xếp lại đồ đạc trong phòng theo đúng quy luật, nếu có người làm thay đổi quy tắc đó, bạn sẽ rất khó chịu và phải ngay lập tức sắp xếp lại? Những dấu hiệu này liệu có phải là triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay không? Hãy cùng Bác sĩ tâm lý tìm hiểu ngay qua những nội dung dưới đây!

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có tên tiếng anh là Obsessive-compulsive disorder (OCD). Đây là một hội chứng tâm lý mãn tính thường được đặc trưng bởi những suy nghĩ tiêu cực và nỗi ám ảnh kéo dài khiến bạn xuất hiện những hành vi lặp đi lặp lại và không thể kiểm soát hành vi đó. Nỗi ám ảnh và hành vi cưỡng chế này khi kéo dài liên tục sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và những người xung quanh.

Một người khi mắc OCD thường cố gắng không quan tâm đến nỗi ám ảnh hoặc ngăn chặn nỗi ám ảnh xuất hiện. Thế nhưng việc nỗ lực này thường chỉ khiến bạn tăng thêm ám ảnh, suy nghĩ về nỗi ám ảnh nhiều hơn dẫn đến hành vi cưỡng chế không kiểm soát nhằm giảm bớt sự căng thẳng,lo âu và ám ảnh quá mức trong não bộ. Điều này dẫn đến tình trạng mà các chuyên gia tâm lý thường gọi là vòng luẩn quẩn của OCD.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Hiện nay, các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường xoay quanh những chủ đề nhất định như sợ hãi quá mức về vi trùng, vi khuẩn. Điều này khiến người bệnh sống ngăn nắp một cách quá mức, rửa tay liên tục hoặc khử khuẩn tất cả mọi thứ trong phòng để giảm bớt sự căng thẳng.

Triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là những triệu chứng liên quan đến suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế. Điều này như một vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại khiến người bệnh không thể thoát ra. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng ám ảnh hoặc cưỡng chế. Cụ thể, hãy tham khảo các triệu chứng của OCD  ngay dưới đây!

Một số triệu chứng của ám ảnh

Triệu chứng rối loạn cưỡng chế ám ảnh thường thể hiện bởi những suy nghĩ, hình ảnh lặp đi lặp lại kéo dài mà người bệnh không mong muốn. Những suy nghĩ này xuất hiện thường xuyên khiến bạn cảm thấy khó chịu, lo lắng. Thông thường, người bệnh sẽ cố gắng phớt lờ sự lo lắng này hoặc thực hiện hành vi cưỡng chế. Cụ thể, nỗi ám ảnh của người bệnh có thể liên quan đến:

  • Sợ bẩn, sợ không khí ô nhiễm: Sợ nhiễm vi khuẩn khi chạm tay vào đồ vật bám bẩn hoặc đồ người khác đã chạm vào.
  • Xuất hiện nghi ngờ, không chắc chắn: Nghi ngờ, lo lắng rằng bản thân chưa tắt bếp, chưa khóa cửa. Suy nghĩ luôn xuất hiện trong đầu cho đến khi bạn đứng dậy để kiểm tra.
  • Cần mọi thứ xung quanh phải có thứ tự, sự cân đối theo quy tắc: Căng thẳng khi nhìn thấy những hình ảnh thể hiện sự bừa bộn, thậm chí có thể nghĩ về hình ảnh đó cả ngày.
  • Suy nghĩ hung hăng, mất kiểm soát dẫn đến làm hại bản thân hoặc những người xung quanh khi nỗi ám ảnh quá lớn

Muốn biết bạn có bị ám ảnh cưỡng chế không? Làm bài test tại đây

Những triệu chứng cưỡng chế

Khi ám ảnh quá mức, người bệnh thường bị thúc đẩy hình thành nên các hành vi cưỡng chế để thỏa mãn mong muốn, giúp tinh thần cảm thấy thoải mái hơn. Những hành vi cưỡng chế ở đây thường được biểu hiện bằng những hành vi lặp đi lặp lại mà người bệnh cho rằng nhất định phải thực hiện. Cụ thể, các hành vi cưỡng chế có thể biểu hiện thông qua:

  • Làm sạch quá mức: Rửa tay bằng xà phòng quá kỹ, rửa cho đến khi da tay trở nên khô rát.
  • Hành vi kiểm tra: Kiểm tra cửa liên tục nhiều lần nhằm đảm bảo cửa đã được khóa.
  • Đếm theo những mẫu nhất định: Chẳng hạn như lặp đi lặp lại một lời cầu nguyện trong âm thầm.
  • Đảm bảo tính trật tự: Sắp xếp quần áo theo màu sắc, kích thước nhất định, sẽ cảm thấy khó chịu nếu trật tự bị đảo lộn.

mối nguy từ rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thống nhất được rõ ràng về nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng hội chứng tâm lý này có thể hình thành bởi một số yếu tố dưới đây:

  • Lịch sử gia đình: Một người sẽ có nguy cơ mắc OCD lớn lơn nếu trước đó đã có một thành viên trong gia đình mắc bệnh này. Các chuyên gia nhận định rằng, có thể sẽ có một số loại gen nhất định đóng vai trò trong việc gây ra triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Yếu tố sinh học: Hóa chất cũng có thể là nguyên nhân tác động và hình thành triệu chứng của OCD. Một số nghiên cứu đã chỉ ra sự suy giảm chức năng trong bộ phận của não, chẳng hạn như việc suy giảm serotonin và norepinephrine có thể gây ra OCD.
  • Yếu tố môi trường: Những sự tổn thương, sự kiện căng thẳng quá mức cũng đóng vai trò đặc biệt trong sự phát triển các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Cụ thể, yếu tố môi trường liên quan đến OCD có thể là hội chứng rối loạn thần kinh tự miễn ở trẻ em, hội chứng này liên quan đến vấn đề nhiễm trùng liên cầu và hình thành nên các dấu hiệu của OCD sau đó. 

Một số yếu tố kích thích sự phát triển của OCD

Ngoài những nguyên nhân hình thành rối loạn ám ảnh cưỡng chế nêu trên, người bệnh có thể khởi phát các triệu chứng của bệnh khi đối mặt với những vấn đề sau:

  • Trải qua một sự kiện cuộc sống dẫn đến căng thẳng quá mức, chẳng hạn như sự mất đi người thân, tại nạn xe… Những sự kiện này có thể kích hoạt trạng thái của cơ thể, hình thành nên nỗi ám ảnh và hành vi cưỡng chế trong tương lai.
  • Bệnh nhân đang phải đối mặt với các loại rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu cũng có nguy cơ phát triển OCD nhiều hơn bình thường.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?

Mặc dù rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường là sự ám ảnh, lo lắng và những hành vi cưỡng chế lặp đi lặp lại để giải tỏa căng thẳng của cá nhân. Tuy nhiên, nếu hành vi này lặp đi lặp lại quá mức cần thiết thì cũng hình thành nên sự nguy hiểm và tổn hại nhất định đến sức khỏe. Cụ thể như sau:

  • Đối mặt với rắc rối trong mối quan hệ với người thân vì triệu chứng của bệnh lặp lại quá mức, bản thân người bệnh không kiểm soát được gây khó chịu cho người xung quanh.
  • Không có khả năng đi học, đi làm, tham gia vào các hoạt động xã hội vì ở đó tồn tại những hình ảnh gây ám ảnh.
  • Viêm da vì rửa tay liên tục quá nhiều.
  • Chất lượng cuộc sống giảm đến mức đáng kể.
  • Suy nghĩ hoặc xuất hiện hành vi tự tử.
  • Chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Sau khi đã tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh nhân qua việc hỏi chuyện, chuyên gia tâm lý có thể tiến hành một số phương pháp dưới đây để chẩn đoán OCD:

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ cần khám sức khỏe để loại trừ những vấn đề sức khỏe khác có thể là nguyên nhân của triệu chứng bệnh, đồng thời phát hiện được những vấn đề sức khỏe có thể hình thành OCD.
  • Xét nghiệm: Bác sĩ chuyên môn sẽ kiểm tra sự phát triển bình thường của tuyến giáp cũng như xét nghiệm máu để kiểm tra dự hiện diện của các chất kích thích có thể ảnh hưởng đến hành vi của cá nhân.  
  • Đánh giá tâm lý: Bác sĩ tâm lý sẽ trao đổi, hỏi chuyện để tìm hiểu về những triệu chứng và cảm xúc của người bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá các kiểu hành vi của bệnh nhân để xác định mức độ rối loạn.
  • Chẩn đoán theo DSM – 5: Bác sĩ cũng sẽ sử dụng những tiêu chí chẩn đoán dành riêng cho rối loạn ám ảnh cưỡng chế được xác định trong sổ tay chẩn đoán và thống kê tối loạn tâm thần (DMS- 5) để xác định tình trạng bệnh.

Các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (ODC) thường dễ bị nhầm lẫn với rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD). Tuy nhiên, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh bởi OCPD thường đặc trưng bởi nhân cách cầu toàn quá mức thay vì những ám ảnh cưỡng chế bình thường như OCD.

Chẳng hạn, bệnh nhân mắc OCPD thường hành động theo lý trí, công việc đều có lịch trình rõ ràng, theo những quy tắc và hành vi tổ chức nghiêm ngặt. Khi thực hiện những điều này họ sẽ cảm thấy an tâm, thoải mái hơn. Trong khi đó, người mắc OCD thường có xu hướng thực hiện hành vi không hợp lý, lặp đi lặp lại quá mức cần thiết.

Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế không thể tự biến mất vì đây là một loại rối loạn mãn tính. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tuân thủ phác đồ điều trị để giảm các triệu chứng bệnh cũng như biết cách kiểm soát hành vi hiệu quả. Hiện nay, các bác sĩ thường ưu tiên lựa chọn hai hình thức điều trị OCD phổ biến bao gồm tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc, ngoài ra cũng có thể áp dụng thêm một số phương pháp điều trị khác, cụ thể như sau:

Tâm lý trị liệu

Với phương pháp tâm lý trị liệu, các chuyên gia sẽ thực hiện trao đổi, chia sẻ để hiểu rõ về hành vi cũng như những ám ảnh của người bệnh, từ đó dần gỡ bỏ nút thắt. Thông thường, các chuyên gia sẽ sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) đề hỗ trợ người bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế bằng cách hướng dẫn, thúc đẩy người bệnh nhìn ra vấn đề và tự biết cách quản lý cảm xúc và hành vi của mình.

Ngoài ra, chuyên gia cũng có thể sử dụng liệu pháp phòng ngừa phơi nhiễm và ứng phó (ERP) để thúc đẩy bệnh nhân tiếp xúc, đối mặt với đồ vật và vấn đề gây ám ảnh và hướng dẫn bệnh nhân các kỹ thuật để kiểm soát ám ảnh và hành vi cưỡng chế.

Khi thực hiện tâm lý trị liệu, bệnh nhân cùng gia đình cần thực hành và cố gắng nỗ lực trong thời gian dài để đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Người thân cũng đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy bệnh nhân thực hành thay đổi hành vi mỗi ngày.

Sử dụng thuốc

Ngoài liệu pháp tâm lý, các bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc nhằm hỗ trợ kiểm soát suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế của người bệnh. Thuốc được kê đơn điều trị ám ảnh cưỡng chế phổ biến nhất hiện nay là thuốc chống trầm cảm. Cụ thể bao gồm:

  • Clomipramine (Anafranil) dành cho người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên
  • Fluoxetine (Prozac) dành cho người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên
  • Fluvoxamine dành cho người lớn và trẻ em từ  8 tuổi trở lên
  • Sertraline (Zoloft) dành cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên
  • Fluvoxamine chỉ sử dụng điều trị OCD cho người trưởng thành.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Một số phương pháp điều trị khác

Với những bệnh nhân không phản ứng với những phương pháp điều trị cơ bản, bác sĩ hoàn toàn có thể áp dụng một số phương pháp tác động trực tiếp đến não để cải thiện cảm xúc và hành vi của bệnh nhân mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Cụ thể:

Kích thích não sâu (DBS)

Đây là phương pháp đặt các điện cực vào khu vực cụ thể trên da đầu, những khu vực này thường được đánh giá là có trách nghiệm quản lý hành vi liên quan đến OCT, từ đó kích thích bằng xung điện để hỗ trợ điều chỉnh cảm xúc và hành vi của người bệnh.

Kích thích từ xuyên sọ (TMS)

Đây là phương pháp sử dụng cho những người trưởng thành từ 22 tuổi đến 68 tuổi. Phương pháp này sẽ sử dụng từ trường để kích thích các tế bào thần kinh trong não bộ, từ đó hỗ trợ cải thiện triệu chứng của bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Liệu pháp co giật điện (ECT)

Với phương pháp điều trị này, bác sĩ sẽ sử dụng một dòng điện nhỏ để tác động vào não của người bệnh bằng những điện cực được đặt trên da đầu khi bệnh nhân đã được gây mê toàn thân. Dòng điện khi tác động sẽ khiến não người bệnh xuất hiện co giật nhẹ và các bác sĩ nhận định rằng phương pháp này có thể liên kết lại hệ thống não bộ bằng những cơn co giật ngắn.

Kết luận

Phần lớn các bệnh nhân khi phát hiện sớm các triệu chứng và chấp nhận hợp tác để điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế đều có sự cải thiện nhất định và có thể tự kiểm soát ám ảnh cũng như hành vi cưỡng chế của mình. Do đó, khi phát hiện những biểu hiện ám ảnh cưỡng chế, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia để được hỗ trợ điều trị trong thời gian sớm nhất.

Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến nguyên nhân, triệu chứng cũng như phương pháp điều trị hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hiệu quả đang được các bác sĩ và chuyên gia tâm lý tin tưởng áp dụng. Hy vọng qua những nội dung này, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về những vấn đề liên quan đến căn bệnh tâm lý này để kịp thời phát hiện bệnh và tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia trong thời gian sớm nhất. 

Về tác giả

author
Nguyệt Hoàng

Nguyệt hiện là Thạc Sĩ ngành tâm lý tại trường Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn. Nguyệt đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu cũng như tìm hiểu sâu về các bệnh tâm lý, tâm lý hành vi,...

Bài viết liên quan

17 tháng 04, 2022
Rối Loạn Dạng Cơ Thể (BDD) Là Gì? Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
19 tháng 03, 2022
Phân Biệt Sự Khác Nhau Giữa Chuyên Gia Tâm Lý và Bác Sĩ Tâm Thần
Bệnh tâm lý phổ biến
tc

Trầm cảm

rlla

Rối loạn lo âu

aacc

Ám ảnh cưỡng chế

sctl

Sang chấn tâm lý

Đăng kí để nhận thông báo về những bài viết mới nhất

Đặt lịch khám, tư vấn tâm lý

Đăng ký thành công

Bạn đã đăng kí đặt lịch khám / tư vấn thành công.

Bacsitamly sẽ hỗ trợ bạn đặt lịch sớm nhất có thể

ĐỒNG Ý
1900 1246 Bản đồ
Liên hệ Zalo Hellodoctors.vn