Nguyệt Hoàng
Nguyệt hiện là Thạc Sĩ ngành tâm lý tại trường Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn. Nguyệt đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu cũng như tìm hiểu sâu về các bệnh tâm lý, tâm lý hành vi,...
Bạn đang cần nhanh chóng hoàn tất công việc nhưng lại không thể tập trung suy nghĩ. Bạn nghĩ nhiều hơn đến những vấn đề nhỏ nhặt xung quanh như trưa nay ăn gì? Lướt facebook xem có gì mới hay không? Những vấn đề nhỏ này có phải là nguyên nhân gây ra sự mất tập trung hay không? Hãy cùng tìm kiếm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây!
Vấn đề mất tập trung trong học tập, làm việc thực ra rất thường xuyên xuất hiện ở mỗi người. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của vấn đề này sẽ phụ thuộc vào việc bạn kiểm soát cơn mất tập trung như thế nào.
Mặc dù ở những lần đầu tiên, dù đang học nhưng bất chợt bạn nghĩ đến những người bạn ở trường, bạn nghĩ đến trò chơi đang chơi dở trên điện thoại… có thể hơi hài hước. Thế nhưng, nếu sự không tập trung xuất hiện liên tục, bạn cũng không có cách để kiểm soát vấn đề thì điều này có thể gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến hiệu quả học tập và làm việc của bạn.
Nếu xét theo chiều hướng tiêu cực hơn, việc mất tập trung thường gây ra những tác động kép. Một mặt, vấn đề này khiến “vấn đề chính” cần bạn giải quyết bị bộ não tạm thời lãng quên, thay thế là những công việc nhỏ nhặt hoặc những suy nghĩ bất chợt hiện lên, không có mục đích và tác dụng với “vấn đề chính” ban đầu.
Việc sao nhãng làm quên mất “vấn đề chính” nêu trên có thể gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn thành mục tiêu của chúng ta hoặc thậm chí là thước đo để người khác đánh giá năng lực cá nhân của bạn. Do đó, việc kiểm soát cơn mất tập trung là vô cùng quan trọng, giúp bạn cân bằng được cuộc sống.
Mặc dù có khá nhiều những yếu tố tiềm ẩn, khiến bản thân chúng ta thiếu chú ý. Tuy nhiên, thông thường sự không tập trung sẽ được hình thành bởi những nguyên nhân nổi bật dưới đây!
Việc bạn mất đi hứng thú với công việc, cảm thấy bản thân lạc lõng giữa những người thực sự đam mê cũng có thể là nguyên nhân quan trọng khiến bạn không tập trung. Lúc đó, bạn có thể suy nghĩ liệu mình có cần công việc này không? Tại sao người khác chăm chỉ còn mình thì không?… Khi bạn luẩn quẩn với những suy nghĩ trong đầu thì lúc đó bạn đã bắt đầu rơi vào trạng thái mất tập trung.
Nếu bạn cảm thấy công việc đó ở thời điểm hiện tại không thu hút bạn, không tạo cho bạn sự thích thú thì đây cũng là thời điểm bạn nên tự nhắc nhở lại bản thân về điều mình thật sự muốn? Vấn đề nào thu hút sự quan tâm của bạn? Từ đó có định hướng thay đổi phù hợp hoặc nghỉ làm một vài ngày để lấy lại sự tập trung.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, bạn có thể cập nhật những thông tin mới, tán gẫu với bạn bè hoặc chơi game trực tiếp trên điện thoại và máy tính. Những thay đổi này có thể sẽ đem đến sự tích cực nhưng bên cạnh đó cũng là nguyên nhân khiến bạn không tập trung.
Bạn đang làm việc, không nghĩ ra ý tưởng sáng tạo? Bạn cảm thấy bất lực nên lại lôi điện thoại ra lên facebook đọc thông tin, vào đoạn chat để “hóng hớt” với bạn bè. Điều này lại vô tình khiến bạn bị không chú ý mà bạn không hề hay biết.
Thật ra, việc mất tập trung vì những tác nhân xung quanh là nguyên nhân rất cơ bản, điều quan trọng là bạn cần biết cách để giải quyết phiền nhiễu xung quanh, kéo tâm trí trở lại công việc. Việc đặt ra những phần thưởng nhất định cho bản thân cũng là cách đánh lừa tâm trí, giúp bạn có được sự tập trung.
Lo âu là trạng thái hình thành khi não của bạn bị phản ứng quá mức với cảm xúc tiêu cực. Bạn thường ở trong trạng thái bất ổn định, tâm lý có sự xáo trộn nên không thể tập trung làm bất cứ công việc gì.
Thông thường, lo âu thường xảy ra khi bạn lo lắng quá mức về gia đình, sức khỏe, kinh thế… Điều đó vô tình tạo ra sự căng thẳng, lo âu quá mức và nếu cứ tiếp tục kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc của bạn hoặc thậm chí là ảnh hưởng trực tiếp với sức khỏe tinh thần và thể chất. Khi công việc căng thẳng quá mức bạn cần nghe sự tư vấn từ các chuyên gia tâm lý để có lộ trình nâng cao sức khỏe tinh thần tốt nhất.
Cuối cùng, những thói quen xấu như ngủ không đủ giấc, thời gian ăn uống và không tập thể dục thường xuyên cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy không tập trung vì cơ thể bị mệt mỏi. Không ăn uống đúng cách cũng có thể làm suy yếu tâm trí của bạn và làm chậm quá trình suy nghĩ. Do đó, việc xây dựng lối sống lành mạnh có thể giúp cải thiện chức năng não và khả năng tập trung của các cá nhân.
Việc bản thân bị căng thẳng vì bị giao quá nhiều công việc cùng một thời điểm, khiến bản thân bị căng thẳng cũng chính là vấn đề khiến bạn bị mất tập trung. Những lúc như vậy, bạn nên chậm nhịp lại, không nên quá vội vàng làm việc mà thay vào đó là xây dựng chiến lược làm việc hiệu quả.
Nếu khối lượng công việc thực sự quá lớn, bạn nên biết cách từ chối công việc hoặc chia sẻ với những người xung quanh. Đừng để căng thẳng quá mức khiến bạn mất tập trung, đau đầu với mớ suy nghĩ làm thế nào để giải quyết vấn đề? Tại sao sếp lại bất công và giao quá nhiều công việc như vậy…
Mất tập trung luôn là một vấn đề xuất hiện rất thường xuyên, đặc biệt với những người đang đi học, đi làm. Do đó, bạn có thể tham khảo một số cách để rèn luyện sự tập trung dưới đây để áp dụng giải quyết vấn đề không tập trung mà bản thân đang phải đối mặt.
Việc bắt đầu tự xây dựng những thói quen tích cực sẽ giúp bạn loại bỏ được những yếu tố gây phiền nhiễu, làm ảnh hưởng đến sự tập trung. Cụ thể, hãy xây dựng môi trường sống và làm mà bản thân ít bị cám dỗ bởi những yếu tố ngoại cảnh để bản thân có thể tập trung.
Với nhiều người, chúng ta thường sử dụng máy tính để làm việc nhưng đó cũng là nguyên nhân ngoại cảnh quan trọng khiến bạn mất tập trung. Đa phần, khi chán nản, mọi người thường thoát ra để lướt web, mua sắm online, xem phim… không những làm bản thân không chú ý công việc mà còn tiêu tốn rất nhiều thời gian. Vì vậy, bạn có thể thử áp dụng tính năng chặn web để chặn hết tất cả những website thường xuyên truy cập trong quá trình làm việc với máy tình.
Đương nhiên, bạn cũng cần rời xa điện thoại của mình. Hãy thử để điện thoại ở thật xa tầm với, tắt các thông báo không liên quan và quyết tâm không đụng vào điện thoại khi chưa hoàn thành công việc xem cách này có đem lại hiệu quả tập trung hơn hay không nhé!
Một danh sách công việc quá dài với nhiều yếu tố công việc phải hoàn thành có thể khiến trí não bạn chán nản, từ chối làm việc. Do đó, để tăng sự tập trung hơn thì bạn có thể thử phương pháp đặt ra 3 mục tiêu chính để hoàn thành mỗi ngày. Việc giới hạn mục tiêu có thể sẽ đem đến cho bạn sự hứng thú làm việc hơn và đặc biệt là không bị căng thẳng vì áp lực.
Mỗi sáng thức dậy, bạn hãy thử hỏi bản thân rằng những điều quan trọng nhất cần hoàn thành trong hôm nay là gì. Từ đó cân nhắc ưu tiên hoàn thành việc quan trọng và giải quyết vấn đề ít quan trọng hơn sau khi đã hoàn thành 3 mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Có một đặc điểm quen thuộc, xuất hiện ở hầu hết các cá nhân chính là thời gian làm việc càng dài thì chúng ta lại thường bị xao nhãng nhiều hơn vì tâm lý chung của chúng ta là “Thời gian còn dài, không cần phải vội”. Điều này thực sự đúng với lý thuyết của định luật Parkinson rằng “Công việc sẽ luôn tự mở rộng ra để lấp đầy khoảng trống dành cho nó”.
Do đó, việc tự tạo áp lực cho bản thân bằng cách rút ngắn thời gian làm việc, tập trung vào hoàn thành vấn đề trong thời gian nhanh chất chính là một trong những cách để rèn luyện sự tập trung. Thậm chí, bạn có thể đặt ra yêu cầu rằng nếu không hoàn thành trước thời gian cho phép thì bản thân sẽ phải chịu một hình phạt nhất định. Cơ chế thưởng phạt phân minh chính là cách rèn luyện kỷ luật vô cùng hiệu quả.
Theo một nghiên cứu tại Harvard, con người chúng ta thường mất gần 50% thời gian của bản thân để suy nghĩ lơ đãng về những điều gì đó ngoài những công việc chúng ta phải làm. Do đó, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề không tập trung là bạn hãy học cách để ý những lúc bản thân bị phân tâm, từ đó kéo mình trở lại công việc.
Phương pháp này có thể gây ra một số khó khăn nhất định vì bạn sẽ phải chú ý nhiều hơn đến tâm trí của mình. Thế nhưng, khi đã quen và áp dụng thành công thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả rất tốt cho sự tập trung của bạn.
Pomodoro là phương pháp có phần tương tự như cách rút ngắn thời gian làm việc. Thế nhưng, phương pháp này sẽ tạo ra những quy luật làm việc nhất định, bắt buộc bạn phải thực hiện đúng theo kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, bạn cần đặt đồng hồ bấm giờ bên cạnh để tập trung hoàn toàn vào công việc trong một khoảng thời gian. Chẳng hạn, bạn bắt bản thân làm trong 40 phút và nghỉ giải lao sau đó 10 phút. Điều này vừa giúp cơ thể bạn làm việc, vừa có những quãng nghỉ ngắn để bạn giải tỏa căng thẳng. Tương tự, với những đặc trưng công việc khác nhau thì bạn đặt ra mục tiêu thời gian khác nhau phù hợp với tính chất công việc của mình.
Như đã đề cập trước đó, việc không còn thích thú với công việc chính là nguyên nhân dẫn đến sự phân tâm. Vì vậy, hướng đến một công việc tăng sự hứng thú chắc chắn sẽ thu hút và giúp bạn tập trung hơn.
Những công việc phức tạp, công việc thử thách bản thân có thể sẽ là chìa khóa làm tăng sự hứng thú của bạn, thôi thúc bạn đi tìm câu trả lời và không còn bị xao nhãng bởi những yếu tố xung quanh. Thậm chí, bạn còn có thể rơi vào trạng thái say mê công việc khi thực sự hứng thú. Vì vậy, đây chính là cách hiệu quả nhất giúp giải quyết vấn đề không tập trung.
Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng được giao những công việc tạo nên sự hứng thú. Thế nên bạn cần biết tạo ra sự thú vị cho công việc, tạo ra những phần thưởng, tự hỏi bản thân sẽ được gì sau khi hoàn thành để tăng tính tập trung.
Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết này, bạn đã biết vì sao chúng ta mất tập trung và cách để rèn luyện sự tập trung hiệu quả, an toàn nhất. Từ đó đem đến những thay đổi tích cực cho bản thân, nâng cao hiệu suất công việc.