Áp lực cuộc sống khiến số người bị bệnh rối loạn lưỡng cực ngày càng tăng. Người mắc chứng bệnh này khi thì chán nản, tuyệt vọng trong các hoạt động thường ngày, khi thì hưng phấn, phấn khích. Nếu như bệnh trầm cảm làm cho người bệnh luôn cảm thấy tồi tệ thì rối loạn lưỡng cực đẩy cảm xúc con người về 2 thái cực đối lập nhau.
Rối loạn lưỡng cực là gì?
Rối loạn lưỡng cực là một bệnh tâm thần được đánh dấu bằng những thay đổi cực độ trong tâm trạng. Dấu hiệu nhận biết là tâm thần có thể đột ngột hưng phấn cao độ, quá khích hoặc quay về trạng thái trầm cảm tột độ
Những người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày ở trường học, nơi làm việc hoặc duy trì các mối quan hệ. Hiện nay chưa có cách chữa trị, nhưng có nhiều lựa chọn điều trị có thể kiểm soát được triệu chứng.
Rối loạn lưỡng cực không phải là một rối loạn não hiếm gặp. Trên thực tế, 2,8% người trưởng thành ở Mỹ (khoảng 5 triệu người) đã được chẩn đoán mắc bệnh này. Độ tuổi trung bình bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh là 25 tuổi.
Các loại rối loạn lưỡng cực
Có ba loại rối loạn lưỡng cực chính: lưỡng cực I, lưỡng cực II và bệnh rối loạn tâm thần kinh.
Lưỡng cực I
Bệnh nhân trải qua cả 2 mức độ trạng thái cảm xúc của bệnh là hưng phấn và trầm cảm một cách rõ rệt. Thời gian diễn tiến của cả 2 giai đoạn này tương đối bằng nhau.
Lưỡng cực II
Người bệnh có thời gian trầm cảm lâu hơn và thường xuyên hơn so với loại I, còn cảm xúc lúc hưng phấn chỉ ở mức nhẹ, không biểu hiện rõ rệt. Đây là loại RLLC nguy hiểm với tỉ lệ người tự tử hoặc có ý định tự sát cao nhất.
Cyclothymia
Đây là dạng hưng – trầm cảm nhẹ nhất. Các biểu hiện thay đổi về cảm xúc, hành vi của người bệnh không rõ ràng, khó phát hiện. Thậm chí, người mắc khó cảm nhận rõ cảm giác thực sự hưng phấn hay trầm cảm. Nhưng chứng Cyclothymia có thể tiến triển thành rối loạn lưỡng cực loại I hoặc II (tỉ lệ 15% – 50%).
Các triệu chứng rối loạn lưỡng cực
Hưng cảm
Trong khi trải qua cơn hưng cảm, một người bị rối loạn lưỡng cực có thể cảm thấy xúc động cao. Họ có thể cảm thấy phấn khích, bốc đồng, hưng phấn và tràn đầy năng lượng. Trong giai đoạn hưng cảm, họ cũng có thể tham gia vào các hành vi như:
- Chi tiêu mua sắm mất kiểm soát.
- Quan hệ tình dục không dùng các biện pháp bảo vệ.
- Sử dụng ma túy.
Hưng cảm nhẹ
Hypomania (hưng cảm nhẹ) thường liên quan đến rối loạn lưỡng cực II. Nó tương tự như chứng hưng cảm, nhưng nó không nghiêm trọng bằng. Khác với hưng cảm, hưng cảm nhẹ có thể không gây ra bất kỳ rắc rối nào tại nơi làm việc, trường học hoặc trong các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, những người mắc chứng hypomania vẫn nhận thấy những thay đổi trong tâm trạng của họ.
Trầm cảm
- Vô vọng, buồn bã, chán chán cuộc sống
- Cảm nhận cơ thể mất năng lượng
- Thiếu quan tâm đến các hoạt động mà họ từng yêu thích
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Có suy nghĩ tự tử
Muốn biết bạn có bị rối loạn lưỡng cực không? Làm bài test tại đây
Nguyên nhân rối loạn lưỡng cực
Di truyền học
Nếu cha mẹ hoặc anh chị em của bạn bị rối loạn lưỡng cực, bạn có nhiều khả năng phát triển tình trạng này hơn những người khác .
Bộ não
Cấu trúc não của bạn có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Những bất thường trong cấu trúc hoặc chức năng của não có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nhân tố môi trường
Không chỉ những gì trong cơ thể bạn mà các yếu tố bên ngoài cũng có thể góp phần gây bệnh. Những yếu tố này có thể bao gồm:
- Căng thẳng quá mức từ cuộc sống, công việc.
- Trải qua 1 sự kiện đau đớn.
- Mắc 1 số bệnh lý khác.
Phân biệt triệu chứng rối loạn lưỡng cực ở từng đối tượng
Phụ nữ
- Được chẩn đoán muộn hơn và ở độ tuổi 20 hoặc 30.
- Giai đoạn hưng cảm ngắn hơn.
- Trải qua nhiều giai đoạn trầm cảm dài hơn giai đoạn hưng cảm.
- Có bốn giai đoạn hưng cảm và trầm cảm trở lên trong một năm.
- Đồng thời gặp các tình trạng khác, bao gồm bệnh tuyến giáp , béo phì , rối loạn lo âu và chứng đau nửa đầu.
- Có nguy cơ cao bị rối loạn sử dụng rượu trong suốt cuộc đời.
Phụ nữ bị rối loạn lưỡng cực cũng có thể tái phát thường xuyên hơn. Điều này được cho là do thay đổi nội tiết tố liên quan đến kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh…
Nam giới
- Được chẩn đoán sớm hơn.
- Trải qua các giai đoạn nghiêm trọng hơn, đặc biệt là giai đoạn hưng cảm.
- Lạm dụng chất kích thích.
Nam giới bị rối loạn lưỡng cực ít có khả năng tự mình đi khám bệnh hơn phụ nữ. Họ cũng có nhiều khả năng lựa chọn cái chết bằng cách tự tử.
Trẻ em
Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực ở trẻ em còn nhiều tranh cãi. Điều này phần lớn là do trẻ em không phải lúc nào cũng có các triệu chứng giống như người lớn. Tâm trạng và hành vi của trẻ cũng có thể không tuân theo các tiêu chuẩn mà bác sĩ sử dụng để chẩn đoán chứng rối loạn ở người lớn.
Nhiều triệu chứng rối loạn lưỡng cực xảy ra ở trẻ em cũng trùng lặp với các triệu chứng từ một loạt các rối loạn khác chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) .Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe tâm thần đã nhận ra tình trạng này ở trẻ em.
Các triệu chứng hưng cảm:
- Hành động rất ngớ ngẩn và cảm thấy hạnh phúc quá mức.
- Nói nhanh và thay đổi chủ đề nhanh chóng.
- Gặp khó khăn khi tập trung.
- Làm những điều nguy hiểm.
- Tính khí rất nóng nảy dẫn đến nhanh chóng bộc phát cơn tức giận.
- Khó ngủ và không cảm thấy mệt mỏi sau khi mất ngủ.
Các triệu chứng trầm cảm:
- Buồn bã, ủ rũ.
- Ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
- Có ít năng lượng cho các hoạt động bình thường .
- Cảm giác không khỏe, thường xuyên đau đầu hoặc đau bụng.
- Cảm thấy bản thân vô dụng.
- Ăn quá ít hoặc quá nhiều
- Nghĩ về cái chết, tự tử
Thanh thiếu niên
Sự thay đổi của hormone, cộng với những thay đổi trong cuộc sống ở tuổi dậy thì, có thể khiến cho những thanh thiếu niên ngoan ngoãn nhất cũng thay đổi.
Các triệu chứng hưng cảm:
- Rất hạnh phúc.
- Tham gia vào các hành vi nguy hiểm
- Lạm dụng chất kích thích.
- Nghĩ về tình dục nhiều hơn bình thường.
- Hoạt động tình dục quá mức.
- Khó ngủ nhưng không có biểu hiện mệt mỏi, uể oải.
- kém tập trung, dễ bị phân tâm
Các triệu chứng trầm cảm:
- Ngủ nhiều hoặc quá ít.
- Ăn quá nhiều hoặc quá ít.
- Cảm thấy rất buồn và ít thể hiện sự phấn khích.
- Rút lui khỏi các hoạt động và bạn bè.
- Nghĩ về cái chết và tự tử
Phân biệt rối loạn lưỡng cực và bệnh trầm cảm
Rối loạn lưỡng cực có thể có hai thái cực: lên và xuống. Để được chẩn đoán mắc chứng lưỡng cực, bạn phải trải qua giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ. Mọi người thường cảm thấy “lên” trong giai đoạn rối loạn này. Khi bạn trải qua một sự thay đổi “lên” trong tâm trạng, bạn có thể cảm thấy tràn đầy sinh lực và dễ bị kích động.
Một số người bị rối loạn lưỡng cực cũng sẽ trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng, nói cách khác là tâm trạng “xuống”. Khi bạn trải qua một sự thay đổi “xuống” trong tâm trạng, bạn có thể cảm thấy thờ ơ, không có động lực và buồn bã.
Mặc dù chứng bệnh có thể khiến bạn cảm thấy chán nản, nhưng nó không giống với tình trạng được gọi là bệnh trầm cảm. Chứng bệnh có thể gây ra mức cao và mức thấp, nhưng trầm cảm khiến tâm trạng và cảm xúc luôn trong trạng thái đi xuống.
Rối loạn lưỡng cực và các mối quan hệ
Khi nói đến việc quản lý một mối quan hệ trong khi bạn đang sống với chứng rối loạn lưỡng cực, trung thực là cách tốt nhất. Rối loạn lưỡng cực có thể có tác động đến bất kỳ mối quan hệ nào trong cuộc sống của bạn, đặc biệt là mối quan hệ tình cảm. Vì vậy, điều quan trọng là phải cởi mở về tình trạng của bạn.
Không có thời điểm đúng hay sai để nói với ai đó rằng bạn bị rối loạn lưỡng cực. Hãy cởi mở và trung thực ngay khi bạn sẵn sàng. Cân nhắc chia sẻ những điều này để giúp đối tác của bạn hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh:
- Khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh.
- Điều gì sẽ xảy ra trong giai đoạn trầm cảm của bạn.
- Những gì sẽ đến trong giai đoạn hưng cảm của bạn.
- Cách bạn thường đối phó với tâm trạng của mình.
Điều trị giúp bạn giảm các triệu chứng và giảm mức độ nghiêm trọng của những thay đổi trong tâm trạng. Với những khía cạnh của rối loạn được kiểm soát, bạn có thể tập trung hơn vào mối quan hệ của mình.
Sống chung với rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là một bệnh tâm thần mãn tính. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ sống và đương đầu với nó trong suốt quãng đời còn lại của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không thể sống một cuộc sống vui vẻ, lành mạnh.
Điều trị có thể giúp bạn kiểm soát những thay đổi trong tâm trạng và đối phó với các triệu chứng. Ngoài bác sĩ chính của bạn, bạn có thể muốn tìm một bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học. Thông qua liệu pháp trò chuyện, các bác sĩ có thể giúp bạn đối phó với các triệu chứng của bệnh mà thuốc không thể giúp được.
Tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp với bạn đòi hỏi sự kiên trì. Tương tự, bạn cần kiên nhẫn với bản thân khi học cách quản lý chứng rối loạn lưỡng cực và dự đoán những thay đổi trong tâm trạng của mình. Cùng với nhóm chăm sóc của mình, bạn sẽ tìm ra cách để duy trì một cuộc sống bình thường, hạnh phúc và khỏe mạnh. Bạn cần gặp bác sĩ/chuyên gia sức khỏe để tìm hiểu rõ bệnh tình và có thể nhận được lời khuyên chính xác nhất.