10 Cách Giải Tỏa Tâm Lý Căng Thẳng Stress Dễ Dàng Áp Dụng

Bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng về những vấn đề trong cuộc sống nhưng không biết cách để giải tỏa khiến tâm trạng ngày càng tồi tệ. Bạn lo lắng căng thẳng làm ảnh hưởng đến cảm xúc, cách cư xử của bản thân với những người xung quanh? Vậy thì hãy cùng Bác Sĩ Tâm Lý tìm hiểu ngay 10 cách giải tỏa tâm lý căng thẳng để có tinh thần thoải mái ngay trong bài viết dưới đây!

Tâm lý căng thẳng là gì?

Căng thẳng (stress) là một phản ứng bình thường của cơ thể khi đối mặt với một thử thách hoặc một tình huống đặc biệt. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể đối mặt với căng thẳng, tuy nhiên mỗi người sẽ đối mặt với một mức độ căng thẳng khác nhau cùng những nguyên nhân khác nhau.

Một người khi tồn tại tâm lý căng thẳng thường lo lắng quá nhiều và khó tập trung. Điều này có thể gây nên ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập và làm việc của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nếu bạn biết giải tỏa tâm lý căng thẳng thì mọi vấn đề sẽ nhanh chóng được giải quyết, giúp bạn cân bằng lại cảm xúc.

10 cách giải tỏa tâm lý căng thẳng bạn nên biết

Căng thẳng là một trạng thái tâm lý hết sức bình thường và đa phần sẽ tự mất đi khi con người không còn đối mặt với yếu tố nguy cơ nữa. Thế nhưng, nếu tâm lý căng thẳng kéo dài, bản thân không tự mình giải quyết thì về lâu dài sẽ để lại những hệ lụy đáng tiếc, thậm chí là nguyên nhân gây nên hội chứng trầm cảm.

Vì vậy, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những cách giải tỏa tâm lý căng thẳng và thực hành ngay để giải quyết tâm lý tồi tệ bạn đang gặp phải ngay bây giờ!

1. Tập thể dục

Tập thể dục được nhắc đến ở đây không nhất định phải là hành vi tập luyện cật lực ở phòng tập hay duy trì chạy bộ đường dài mỗi ngày. Khi tâm trạng căng thẳng, bạn hãy cố gắng tập thể dụng mỗi ngày trong thời gian ngắn để giải tỏa những tâm trạng tiêu cực.

Việc chạy bộ dưới sân nhà, chơi thể thao cùng bạn bè hay đơn giản là một bài tập cardio tại nhà cũng là giải pháp tập thể dục, giải tỏa tâm lý căng thẳng hiệu quả mà bạn nên áp dụng.

tập thể dục giúp giải tỏa căng thẳng

2. Nghe nhạc để thư giãn

Âm nhạc từ lâu đã được xem như một phương pháp giảm căng thẳng hiệu của được con người sử dụng. Âm nhạc cũng chính là cầu nối để lan tỏa cảm xúc từ người đến người. Vì vậy, nếu bạn đang đối mặt với trạng thái tâm lý căng thẳng thì hoàn toàn có thể nghe một bài nhạc nhẹ nhàng để thư giãn tinh thần và nghĩ tích cực hơn.

Có thể việc nghe nhạc không phải là cách giải tỏa tâm lý căng thẳng tốt nhất nhưng chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả, giúp bạn có thể thư giãn tinh thần để đối mặt với vấn đề gây nên căng thẳng.

3. Chia sẻ với bạn bè, người thân

Khi bạn đang căng thẳng về một vấn đề nào đó, đừng ngại ngùng mà hãy chia sẻ với những người thân thiết xung quanh mình về vấn đề bản thân đang gặp phải, về những lo lắng của bản thân để được mọi người lắng nghe và nhận được lời khuyên từ mọi người.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc chia sẻ, kết nối với những người xung quanh sẽ giúp bạn giải tỏa được tâm trạng căng thẳng. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp tự nói chuyện, tự động viên với chính bản thân mình, hoặc chia sẻ cùng các chuyên gia tâm lý sức khỏe.

Có thể khi mới nghe qua, bạn sẽ cảm thấy ý tưởng này có phần hơi “điên rồ” một chút. Thế nhưng, hãy thử áp dụng vì đây là một trong những cách giải tỏa tâm lý căng thẳng hiệu quả và được nhiều người áp dụng. Bạn có thể thử hỏi bản thân tại sao lại căng thẳng? Phải làm gì để làm tốt công việc?… Việc đặt câu hỏi cho bản thân và đi tìm câu trả lời sẽ nhanh chóng giúp bạn tự giải quyết được vấn đề, từ đó có trạng thái tâm lý ổn định.

4. Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh

Có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống cũng có mối liên hệ chặt chẽ với tâm lý căng thẳng. Khi tâm lý căng thẳng, chúng ta thường có xu hướng lựa chọn những món ăn vặt, đồ ngọt để giải tỏa cảm xúc mà quên mất thực đơn ăn uống lành mạnh. Hành vi này có thể vô tình khiến bản thân bạn bị tăng cân, béo phì và tiếp tục căng thẳng vì cân nặng.

Để có một tâm lý thoải mái và hạn chế đến mức tối đa những phản ứng căng thẳng, bạn hãy cố gắng hạn chế những món ăn vặt, đồ ăn có đường mà nên xây dựng thực đơn ăn uống có đầy đủ dưỡng chất. Nếu bạn chán ăn, hãy cố gắng bổ sung chất dinh dưỡng bằng các loại trái cây để đảm bảo bản thân có đủ năng lượng để đối mặt và giải quyết vấn đề.

5. Cười

Mặc dù căng thẳng khiến bạn mệt mỏi và mất đi năng lượng, thế nhưng hãy thử cười thật nhiều bằng cách xem những đoạn phim hài giải trí. Tiếng cười của bạn sẽ giúp giải phóng endorphin, hỗ trợ cải thiện tâm trạng. Đồng thời, tiếng cười cũng có tác dụng giảm các hormone gây căng thẳng là cortisol và adrenaline giúp đánh lừa hệ thần kinh, giúp tâm trạng của bạn trở nên thoải mái hơn.

cười giúp giải tỏa tâm lý căng thẳng

6. Ngủ đủ giấc mỗi ngày

Khi đối mặt với căng thẳng, bản thân mỗi người chúng ta thường lo nghĩ quá nhiều dẫn đến tình trạng mất ngủ kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Việc có giấc ngủ ổn định là điều không hề đơn giản, tuy nhiên bạn có thể áp dụng phương pháp đi ngủ sớm, tắt đèn và không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ để dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Việc ngủ đủ mỗi ngày từ 7- 8 tiếng sẽ giúp tinh thần của bạn thoải mái hơn, từ đó có thể dễ dàng tập trung vào công việc hoặc học tập để giải quyết vấn đề.

7. Thực hành chánh niệm

Chánh niệm có thể vấn là một thuật ngữ tương đối xa lạ với nhiều người. Thực ra, bạn có thể hiểu chánh niệm đơn giản là việc bạn đặt toàn bộ sự chú ý của mình vào một thời điểm đang diễn ra. Chánh niệm không nhất thiết phải là ngồi xuống thiền định mà chánh niệm hoàn toàn có thể là việc bạn tham gia vào các trải nghiệm, vận động và đặc biệt chú tâm vào công việc đó, quản lý trạng thái cảm xúc và không bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.

Yoga và thiền thường được biết đến là hai phương pháp thực hành chánh niệm đang được nhiều người tin tưởng lựa chọn hiện nay. Bạn sẽ có thể cảm nhận tốt nhất thời điểm này, không suy nghĩ về những vấn đề gây nên căng thẳng. Từ đó có thể dần làm tiêu tan đi cảm giác căng thẳng khiến cơ thể mệt mỏi. Một nghiên cứu tập trung vào các sinh viên đại học đã chỉ ra rằng chánh niệm là phương pháp có thể giúp tăng lòng tự trọng, làm giảm các triệu chứng lo âu và trầm cảm.

8. Tập hít thở sâu

Tâm lý căng thẳng thường kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, báo hiệu rằng cơ thể chuyển trạng thái dẫn đến một số phản ứng sinh học như tim đập nhanh, thở gấp, run rẩy… Các trạng thái này hoàn toàn có thể được kiểm soát tốt bằng cách vận dụng những bài tập thở sâu để kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm và hệ thống kiểm soát phản ứng thư giãn bê trong não bộ.

Có thể nói, việc hít thở sâu là cách giải tỏa tâm lý căng thẳng tức thì, khiến bạn có thể ổn định tâm lý hơn trong những tình huống đặc biệt. Việc hít thở sâu sẽ khiến bạn tập trung nhận thức hoàn toàn vào hơi thở, kiến hơi thở chậm và sâu hơn. Điều này vô tình khiến nhịp tim của bạn chậm lại, tạo nên cảm giác bình yên hơn.

hít thở sâu giúp giảm bớt căng thẳng

9. Tránh trì hoãn

Trong công việc và học tập, đa phần những nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng tâm lý căng thẳng chính là bạn làm không tốt một việc hoặc bạn không hoàn thành công việc được nhanh như người khác khiến bản thân bị khiển trách.

Vậy thì cách tốt nhất để giải tỏa sự căng thẳng chính là ngưng trì hoãn công việc. Bạn hãy bắt đầu lên kế hoạch làm mọi việc một cách logic, ưu tiên những công việc quan trọng và cấp thiết lên hàng đầu để làm mỗi ngày. Tránh sự trì hoãn khiến bạn luôn ở trong trạng thái căng thẳng, phải chạy theo công việc.

10. Biết cách từ chối

Một cách làm giảm tâm lý căng thẳng tương đối hiệu quả chính là học cách nói “không”. Trong công việc, học tập và kể cả các mối quan hệ thân thiết, bạn không nhất thiết phải ôm đồm quá nhiều thứ theo cách “ai nhờ gì làm nấy” vì việc bạn làm quá nhiều việc một lúc sẽ khiến tâm lý bị căng thẳng, thậm chí không thể làm tốt mọi việc.

Do đó, hãy biết cách nên chấp nhận những công việc nào và nên từ chối người khác ra sao để khiến bản thân không phải làm quá nhiều công việc cùng một lúc. Điều này sẽ giúp bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi, không phải lo nghĩ quá nhiều.

Trên đây là 10 cách giải tỏa tâm lý căng thẳng đem lại hiệu quả tốt mà bạn có thể áp dụng ngay bây giờ nếu bản thân đang đối mặt với căng thẳng. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng 10 phương pháp này mỗi ngày để tâm lý ổn định, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn và thử thách gây căng thẳng trong cuộc sống.

Thalassophobia – Hội Chứng Sợ Biển Sâu Và Cách Ứng Phó

Thalassophobia là hội chứng sợ biển sâu, một rối loạn tâm thần nằm trong nhóm các ám ảnh sợ khiến con người lo lắng, sợ hãi và gây ra các phản ứng sinh học tiêu cực.

Thalassophobia là gì?

Thalassophobia nghĩa là nỗi sợ hãi đối với các vùng nước lớn và sâu giống như biển. Người mắc phải hội chứng này thường lo lắng, hoảng loạn khi đứng trước các vùng nước lớn, khi đi dạo trên bãi biển hoặc đi thuyền trên biển. Thậm chí trong trường hợp nặng, họ còn sợ cả tranh ảnh về biển hay những loài vật sống dưới nước như tôm, cá, mực… cho dù chúng đã chết và được bày bán trên đất liền.

Thalassophobia không phải là chứng sợ nước bình thường (Aquaphobia). Họ không sợ nước trong mọi trường hợp mà chỉ sợ những gì liên quan đến các vùng nước rộng và sâu như công viên nước, sông lớn, hồ lớn, ao lớn, biển và đại dương.

Người mắc hội chứng sợ biển tin rằng họ có thể bị chết đuối cho dù họ bơi rất giỏi; họ sợ bị cá mập tấn công dù nguy cơ đó hiếm khi xảy ra; nói chung là họ sợ tất cả những yếu tố có khả năng gây nguy hiểm tính mạng dưới mặt nước.

Ở Mỹ có khoảng 15 triệu người mắc chứng sợ biển, tương đương với 7,1% người trưởng thành, còn tỷ lệ này ở trẻ vị thành niên là 5,5% (Theo WellMind). Ngoài ra, chỉ có khoảng 40% người mắc được điều trị đúng cách.

Thalassophobia: hội chứng sợ biển sâu

Làm thế nào để nhận biết Thalassophobia?

Người mắc hội chứng sợ biển cấp độ nhẹ thật ra rất khó nhận biết. Vì họ vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường như tất cả mọi người. Họ chỉ nảy sinh cảm giác sợ hãi khi đến bờ biển hoặc di chuyển bằng phương tiện hàng hãi như tàu, thuyền, bè… nhưng vẫn kiểm soát được cảm xúc và hành vi của bản thân.

Ở mức độ nặng hơn, có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Run rẩy trước các hình ảnh về đại dương, như run tay hoặc run chân
  • Cảm giác sợ hãi đến ám ảnh, hoảng hốt
  • Cảm giác bị tách rời với thực tế, ngắt kết nối khỏi cơ thể (cảm giác phân ly)
  • Không thể đến gần biển hay đi trên biển
  • Tránh mọi tình huống liên quan đến biển, tranh ảnh về biển, các sinh vật biển…

Nghiêm trọng hơn, người bị Thalassophobia khi tiếp xúc với các yếu tố liên quan đến biển có thể phản ứng mạnh như khóc lóc, bỏ chạy, đau dạ dày, buồn nôn, đổ mồ hôi, thở nhanh, nhịp tim tăng… và có thể chuyển thành một cơn hoảng loạn. Thậm chí, họ có thể ngất xỉu hoặc mất kiểm soát.

Thalassophobia

Tại sao nhiều người mắc hội chứng sợ biển sâu?

Những người mắc hội chứng sợ biển thường là do họ bị ám ảnh với các yếu tố sau:

  • Đại dương mênh mông rộng lớn có quá nhiều bí ẩn mà hiện nay vẫn chưa được khám phá hết. Con người thường phát sinh nỗi sợ với những gì họ chưa biết. Vì vậy, khi nghĩ về sự bí ẩn dưới lòng đại dương, họ cảm thấy nơi đó tiềm tàng rất nhiều hiểm nguy và trở nên lo lắng, bất an.
  • Các sinh vật biển khổng lồ và đáng sợ. Những trường hợp này, họ sợ các sinh vật ăn thịt có kích thước lớn sống ở đại dương, ví dụ như cá mập trắng.
  • Họ bị ám ảnh với các bộ phim viễn tưởng, kinh dị với hình ảnh những con thủy quái, bạch tuộc khổng lồ… thình lình xuất hiện và kéo tuột người đang bơi trên biển xuống tận đáy đại dương.
  • Nhiều trường hợp bị ám ảnh với các tai nạn trên biển do bản thân đã từng trải qua tai nạn hoặc xem tin tức, phim ảnh về các vụ tai nạn hàng hải. Họ sợ đi tàu thuyền có thể nạn, chấn thương hoặc chết đuối nên không dám bước lên bất kỳ con thuyền nào.
  • Một số ít trường hợp khác có nguyên nhân liên quan đến di truyền hoặc rối loạn nội tiết…

Thalassophobia

Ứng phó với hội chứng sợ biển như thế nào?

Chứng sợ biển có thể được điều trị bởi các chuyên gia tâm thần bằng các liệu pháp tâm lý và dùng thuốc, kết hợp với những thay đổi tích cực trong lối sống.

Liệu pháp tiếp xúc

Nhiều người người mắc Thalassophobia có thể được điều trị bằng liệu pháp tiếp xúc (phơi nhiễm) theo sự hướng dẫn của các chuyên gia được đào tạo bài bản. Mục đích là để họ hiểu và nhận ra nước ít nguy hiểm hơn nhiều so với tưởng tượng, đồng thời tăng sự tự tin về khả năng đối phó với những tình huống có thể xảy ra. Tiếp xúc có thể thực hiện trực tiếp, thông qua tưởng tượng hoặc thực tế ảo.

Liệu pháp tâm lý

Ngoài ra, họ cũng được nói chuyện với các chuyên gia tâm lý bằng liệu pháp CBT (liệu pháp nhận thức hành vi). Liệu pháp này giúp người bị Thalassophobia xác định nguyên nhân gốc rễ vấn đề của mình, từ đó điều chỉnh cách suy nghĩ và phản ứng để giảm bớt lo lắng.

Sử dụng thuốc

Thuốc không có tác dụng chữa hội chứng ám ảnh sợ biển sâu nhưng có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng lo lắng và sợ hãi. Loại thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này là SSRI, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc giúp chống trầm cảm.

Tập luyện thường xuyên

Một số cách thức mà người mắc Thalassophobia có thể tập luyện trong cuộc sống hàng ngày có thể giúp kiểm soát lo lắng là: tập thở chậm và ổn định, thực hành chánh niệm, tập trung vào yếu tố khác không gây lo lắng, không đổ lỗi cho bản thân hay xấu hổ vì nỗi sợ của mình…

Nếu hội chứng sợ biển sâu có ảnh hưởng không tốt đến công việc, học tập và đời sống hàng ngày của bạn, đừng ngần ngại tìm đến sự trợ giúp từ các bác sĩ hoặc nhà trị liệu. Hãy bám sát kế hoạch trị liệu được đề ra, duy trì lối sống tích cực và nhờ thêm sự hỗ trợ từ những người thân yêu để vượt qua nỗi sợ và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chuunibyou Là Gì? – Hội Chứng Hoang Tưởng Tuổi Dậy Thì

Tuổi dậy thì là lứa tuổi bước ngoặt của mỗi người khi chuẩn bị trưởng thành, với rất nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý. Sự nhạy cảm của các thiếu niên ở độ tuổi này có thể dẫn đến nhiều vấn đề rối loạn tâm lý, một trong số đó là hội chứng chuunibyou, hay còn gọi là hội chứng tuổi dậy thì.

Chuunibyou là gì?

Chuunibyou là một khái niệm xuất phát từ Nhật Bản, được sử dụng lần đầu tiên bởi một người dẫn chương trình tên là Hikaru Ijuin trên kênh radio Hikaru Ijuin’s UP’s vào tháng 11 năm 1999.

Tên đầy đủ của khái niệm này là Chuugakkou Ninen Byou, nghĩa là căn bệnh của những học sinh năm thứ hai trung học (tương đương với lớp 8 trường trung học cơ sở ở Việt Nam). Khi dịch ra tiếng Việt, Chuunibyou được dịch thành các khái niệm như hội chứng tuổi dậy thì, hội chứng tuổi teen, hoang tưởng tuổi dậy thì hay ảo tưởng sức mạnh.

Chuunibyou

Thực chất, thuật ngữ chuunibyou được đưa ra ban đầu nhằm ám chỉ về sự biến đổi tâm lý của các học sinh năm hai trung học tại Nhật Bản. Về sau, chuunibyou được sử dụng rộng rãi để chỉ chung cho một loại hội chứng tâm lý thường gặp ở thanh thiếu niên, đó là hội chứng hoang tưởng tuổi dậy thì.

Theo đó, các chuunibyou là những người sống lẫn lộn giữa thế giới thực và thế giới ảo do mình tự tưởng tượng ra, họ tin rằng mình là người đặc biệt, có siêu năng lực. Họ đắm mình vào thế giới ảo, phủ nhận thực tế và con người thật của mình. Mặc dù không phải là bệnh lý y học, nhưng những người mắc phải hội chứng này cũng cần được hỗ trợ để không bị ảnh hưởng đến đời sống bình thường.

Hội chứng chuunibyou gồm những loại nào?

Hội chứng chuunibyou có nhiều loại, nhưng hiện nay có 3 loại phổ biến, bao gồm:

  • Hoang tưởng phạm tội (dokyun-kei): là những người nghĩ rằng mình là kẻ phạm tội. Họ chán ghét cuộc sống và luôn muốn phá bỏ các quy tắc, luật lệ. Do đó, họ tưởng tượng rằng mình là thành viên của một băng đảng xã hội chuyên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Những Chuunbiyou này thường hay kể về băng đảng của mình với một niềm tự hào lớn lao. Nhưng họ không thực sự hành động như vậy mà chỉ vẽ mọi thứ trong tâm trí.
  • Kỳ thị xu hướng hay phản xã hội (sabukaru-kei): là những người luôn muốn khác biệt với người khác. Họ rất chán ghét và phản đối những thứ được cho là xu hướng, được nhiều người yêu thích. Vì vậy, họ chọn cho mình những sở thích “không giống ai” để trở nên khác biệt và được chú ý. Thậm chí, những điều mà họ chọn chưa chắc đã là thứ họ thật sự thích hay quan tâm, mà họ chọn chỉ để thể hiện sự “khác người” của mình.
  • Ảo tưởng sức mạnh (jakigan-kei): là những người luôn cho rằng mình có sức mạnh siêu nhiên. Họ tin rằng mình có năng lực đặc biệt, siêu phàm, có sức mạnh thần bí nên không chấp nhận bị đối xử như một người bình thường. Vậy nên họ thường sống tách biệt với những người xung quanh.

hội chứng Chuunibyou

Dấu hiệu nhận biết các chuunibyou

Chúng ta có thể nhận biết các chuunibyou thông qua một số biểu hiện sau:

  • Sống khép kín, tách biệt với thế giới bên ngoài, thậm chí tách biệt với cả gia đình, bạn bè
  • Nhút nhát và giao tiếp xã hội kém
  • Sợ bị mọi người đối xử như trẻ con nên thường hành xử như người lớn
  • Yêu thích thái quá các nền văn hóa ngoại lai, ít bị ảnh hưởng bởi xu thế xã hội
  • Tin rằng mình có sức mạnh siêu nhiên và có sứ mệnh vĩ đại với thế giới này

Cũng có một số Chuunbiyou không bị ảo tưởng mà vẫn có thể xử sự như người bình thường. Họ chỉ chọn làm chuunibyou như là một sở thích cá nhân.

Ngoài ra, một số bộ phim hoạt hình Nhật Bản (anime) cũng xây dựng nhân vật mắc hội chứng chuunibyou, góp phần làm cho hội chứng này được biết đến rộng rãi hơn.

Có thể kể đến các nhân vật nổi tiếng như Rikka Takanashi trong anime Chuunibyou demo Koi ga Shitai (một cô gái bình thường nghĩ rằng mình là Tà vương chân nhãn, luôn che mắt bên phải, mặc váy đen, xem ô là kiếm).

Kobato Hasegawa trong anime Boku wa Tomodachi ga Sukunai (cô gái tưởng tượng mình là nhân vật phản diện trong phim truyền hình yêu thích nên đeo kính áp tròng để có đôi mắt mang hai màu khác nhau); Shun Kaido trong anime Saiki Kusuo no Psi Nan (chàng trai luôn tin rằng tay phải mình có sức mạnh siêu nhiên, được sử dụng để dập tắt âm mưu của các thế lực hắc ám luôn vây quanh mình)…

hội chứng Chuunibyou

Nguyên nhân hình thành hội chứng Chuunbiyou

Trẻ em nữ dậy thì vào khoảng 10 – 15 tuổi, trẻ em nam dậy thì vào khoảng 11 – 17 tuổi. Giai đoạn này có sự biến đổi lớn về tâm sinh lý khiến các thanh thiếu niên bước vào tuổi dậy thì thường nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Trẻ nữ bắt đầu có kinh nguyệt, phát triển ngực…; trẻ nam vỡ giọng, mọc ria mép, bắt đầu xuất tinh…

Những trẻ phát triển và xuất hiện các dấu hiện này sớm hơn thường bị bạn bè trêu chọc gây ra tâm lý tự ti, khép mình lại. Đây cũng là độ tuổi hình thành rung động tình cảm yêu thích đầu đời khiến các em có mong muốn được gây ấn tượng với người mình thích. Áp lực học tập ở trường trung học cơ sở lại thường gây ra căng thằng, lo lắng.

Và hiểu biết xã hội càng ngày càng rộng khiến các em dần nhận ra thế giới xung quanh không hoàn toàn tốt đẹp như mình đã thấy ngày thơ bé. Tất cả những rối ren đó cộng với sự thay đổi của các hormone trong cơ thể làm cho tâm lý trẻ dậy thì vô cùng bất ổn, khó kiểm soát, các em trở nên cực kỳ nhạy cảm và dễ tổn thương.

Cuối cùng, một số em đã chọn cách chạy trốn khỏi thực tại xấu xí và đắm chìm vào thế giới tưởng tượng của riêng mình, xây dựng bản thân với những đặc điểm tốt đẹp mà mình mong muốn. Đó là cách hình thành một Chuunbiyou.

Hội chứng Chuunbiyou có cần được chữa trị không?

Thực chất Chuunbiyou chỉ là một hội chứng tâm lý bình thường và có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần lên mà không cần can thiệp bởi thuốc hay bất kỳ liệu pháp chữa trị nào. Tuy nhiên, nếu mức độ hoang tưởng và suy nghĩ phản xã hội (anti-social) trở nên quá khích có thể dẫn đến hành động gây hại đến người khác trong thế giới thực.

Vì vậy mà gia đình cần quan tâm để ý đến các dấu hiệu bất thường của trẻ ở lứa tuổi dậy thì, nếu có những rối loạn nhận thức và hành vi ở mức độ nặng, cần đưa trẻ đến cơ sở chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị kịp thời từ các chuyên gia/bác sĩ.

Nhìn chung, hội chứng tuổi teen (Chuunbiyou) không hẳn là xấu. Đó chỉ là một cách thức để con người ở ngưỡng cửa chuyển mình từ trẻ con thành người lớn xoa dịu bản thân trước những trở ngại từ cuộc sống. Chỉ cần vẫn nhận thức tỉnh táo, phân biệt được thế giới thực – ảo và biết điểm dừng thì các Chuunbiyou sẽ không gây hại gì đến bản thân và những người xung quanh.

1900 1246 Bản đồ
Liên hệ Zalo Hellodoctors.vn